Tuesday, January 11, 2011

XUNG ĐỘT và GIẢI QUYẾT XUNG ĐỘT

GIẢI QUYẾT XUNG ĐỘT



Các xung đột

Không thể tránh xung đột trong đời sống. Sự trưởng thành hệ tại ở việc biết chuyển hóa những xung đột ấy thành các cơ hội để lớn lên. Đã có xung đột xảy ra giữa ông bố của cậu con trai hoang đàng và người anh của cậu ấy. Người anh này thậm chí từ chối vào nhà. Ông bố đã đi ra và giải quyết sự xung đột. Có lẽ đó là lần đầu tiên người anh này nghe bố mình nói: “Này con, con luôn ở với cha, và mọi sự của cha là của con.” Anh ta hiểu rõ tâm tư của cha mình hơn bao giờ trước đó. Người cha cũng vậy, chưa bao giờ ông hiểu rõ tâm tư của con mình như hôm nay. Và đó là cách rất hay để giải quyết vấn đề. Nếu ông bố không lắng nghe con mình với sự thấu cảm thì chắc hẳn ông đã làm cho tình hình thêm tồi tệ hơn.

Có hai loại xung đột. Loại thứ nhất là xung đột bên trong mỗi người. Tôi phải tự mình giải quyết nó. Tôi mập quá. Tôi phải quyết định ăn ít hơn, thậm chí bỏ một vài bữa ăn; nếu không thì tôi vẫn tiếp tục mập như cũ. Chiếc xe gắn máy nọ là dành riêng cho các tu sĩ đã khấn, chứ không dành cho tập sinh. Tập sinh không thể để cho điều này trở nên một xung đột bên trong mình. Nếu có sự xung đột ấy, anh ta phải tự giải quyết bằng cách chấp nhận rằng chiếc xe gắn máy ấy không dành cho mình, cho đến khi mình trở thành khấn sinh. Ở đây chúng ta không đang nói về loại xung đột này, loại xung đột mà chỉ một mình đương sự có thể giải quyết.

Chúng ta đang nói về loại xung đột liên can tới hai người hay nhiều hơn. Đó có thể là xung đột giữa vị bề trên với một thành viên trong cộng đoàn hay với chính cộng đoàn. Cũng có thể là một xung đột giữa hai thành viên hay giữa hai nhóm trong cộng đoàn, hay giữa cộng đoàn với một người ngoài.



Nhìn khái quát về xung đột

Xét căn bản thì có bốn cách để người ta tiếp cận một xung đột. Cách thứ nhất gọi là phương pháp ‘thua-thua’. Nghĩa là tiếp cận theo lối này thì cả hai bên cùng thua. Ta giả sử có một xe gắn máy của cộng đoàn, và có hai người sử dụng nó. Cha Peter hơi vô tâm, sử dụng chiếc xe mà không nghĩ gì đến Cha Paul. Ông chẳng mấy khi để ý ghi vào sổ đăng ký báo trước về thời gian mình sẽ dùng xe. Dùng xong, ông cũng không trả chìa khóa xe về chỗ của nó. Paul nhắc nhở Peter mấy lần về điều này, nhưng chỉ như nước đổ lá môn. Cuối cùng, Paul quyết định thỉnh thoảng giấu cái xe đi để Peter không thể dùng được. Và dĩ nhiên cả Paul cũng không dùng được. Nghĩa là cả hai đều thua. Vì thế giải pháp này được gọi là phương pháp ‘thua-thua’.

Sau vài tuần, Paul bắt đầu cảm thấy áy náy về cách mình làm. Paul cho phép Peter sử dụng chiếc xe tùy thích. Ở đây, Paul đang áp dụng phương pháp ‘thua-được’. Paul thua, còn Peter thì được.

Nhưng rồi, cảm thấy khó chịu về tình trạng thiệt thòi của mình, Paul quyết định làm thêm một bộ chìa khóa xe nữa và bắt đầu sử dụng chiếc xe bất cứ khi nào mình muốn, nhất là cố ý “phỗng tay trên” những khi mà Paul đoán rằng Peter sắp cần dùng xe. Phương pháp mà Paul áp dụng ở đây là phương pháp ‘được-thua’. Paul được và Peter thua.

Sau đó Cha Paul tham dự một khóa tư vấn. Ở đó ông học phương pháp ‘được-được’, theo đó cả Peter và Paul đều có thể sử dụng chiếc xe gắn máy mà không làm phiền nhau.

Có hai yếu tố ấn định phương pháp nào được dùng trong mỗi trường hợp, đó là sự can đảm và lòng quan tâm. Quan tâm nghĩa là biết nghĩ đến cảm nghĩ của người khác và biết trân trọng tình thân hữu. Còn can đảm nghĩa là sẵn sàng cho biết các quyền lợi chính đáng của mình và ngay cả yêu cầu người ta phải tôn trọng các quyền ấy. Trong phương pháp ‘thua-thua’, không có sự can đảm thực sự, cũng chẳng có lòng quan tâm. Phương pháp ‘thua-được’ thì có lòng quan tâm nhưng không có sự can đảm. Phương pháp ‘được-thua’, trái lại, xem ra có can đảm nhưng chẳng có quan tâm. Phương pháp ‘được-được’ thì có cả quan tâm và can đảm. Ở đây, can đảm có thể được gọi là cách tiếp cận nhắm đến mục tiêu, còn quan tâm có thể gọi là cách tiếp cận nhắm đến mối tương quan.

Ta có thể minh họa bằng biểu đồ sau:






THIÊN PHONG

Dịch từ “Authority: Its use and abuse” của C.P. Varkey;

(còn tiếp: Những Cách Giải Quyết Không Kiến Hiệu)


Tác giả: Thiên Phong (dịch)

Saturday, January 1, 2011

THÁNH MARIA ĐỨC MẸ CHÚA TRỜI


Mỗi khi đọc kinh kính mừng, chúng ta đều thưa lên cùng Mẹ: Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử. Khi chúng ta thưa cùng Mẹ điều đó, là chúng ta ý thức thân phận yếu đuối, mỏng dòn của mình thường hay sa đi ngã lại trong những lầm lỗi tội lỗi. Đồng thời cũng nói lên sự phó thác cậy trông nơi Mẹ, là Mẹ của Thiên Chúa và cũng là Mẹ chúng ta.

Vâng, khi nhập thể làm người Chúa Giê-su cũng được sinh ra từ một người mẹ, và suốt cuộc sống của Chúa Giê-su dường như luôn có bóng dáng của mẹ hiện diện để khích lệ, an ủi, nhất là trong lúc chịu đau thương trên thập giá. Mẹ đã ở bên Chúa, cùng hiệp thông trong đau khổ với Chúa để cứu độ trần gian. Có lẽ vì muốn chúng ta được sống trong tình mẫu tử của Mẹ, Chúa Giê-su đã trao ban Đức Mẹ cho chúng ta, khi Chúa nói với Gioan: “Đây là Mẹ của con”, và thánh kinh đã ghi lại: “kể từ lúc đó, người môn đệ Chúa yêu đã đón Mẹ về nhà của mình”.

Thánh Gioan đã đại diện cho nhân loại để nhận Mẹ làm Mẹ của chúng sinh. Từ nay Mẹ sẽ tiếp tục nâng đỡ chúng ta. Mẹ sẽ tiếp tục yêu thương chúng ta. Mẹ sẽ tiếp tục hiện diện trong cuộc đời chúng ta để chăm sóc, lo lắng và chở che cuộc đời chúng ta. Chúng ta có thể cảm nghiệm về tình Mẹ Thiên quốc qua hình ảnh người mẹ trần thế. Mẹ trần thế yêu thương con đến nỗi dám đánh mất chính mình cho con được lớn lên thế nào, thì người mẹ thiên quốc cũng lo cái lo của con cái dưới thế, cũng đau với nỗi đau của nhân loại, cũng sẵn sàng làm tất cả đế cứu vớt nhân loại lầm than. Có lẽ ai trong chúng ta cũng thuộc lòng bài ca dao “Con cò ăn đêm” mà các bà mẹ thường hay hát ru con:

“Con cò mà đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao
Ông ơi, ông vớt tôi vào
Tôi có lòng nào ông hãy xào măng
Có xào thì xào nước trong
Đừng xào nước đục đau lòng cò con”

Bài thơ thật ngắn gọn nhưng diễn tả về tình yêu của một người mẹ đơn côi, lặn lội nơi bến chợ, bất chấp tất cả khó khăn cực nhọc để kiếm tiền nuôi con, kể cả việc phải đi ăn đêm. Nếu số phận có đun rủi bà phải rơi xuống hố sâu lầm lỗi, bà sẵn sàng chịu mọi sự trừng phạt miễn là ông trời hãy thương lấy đàn con, gìn giữ nó được sống trong danh dự mà đoạn kết đã diễn tả: “Đừng xào nước đục đau lòng cò con”. Nghĩa là người mẹ sẵn sàng chịu mọi oan ức, mọi niềm đắng cay, nhưng miễn sao con của bà đừng bị người đời trừng phạt bởi lầm lỗi của bà, đừng bị người đời khinh chê vì những đoạn trường đắng cay của mẹ.

Tình yêu của người mẹ là thế! Bà sẵn sàng hy sinh tất cả miền là đoàn con được hạnh phúc. Trong đời sống thiêng liêng chúng ta cũng có một người mẹ là Đức Maria, Mẹ của Chúa Giê-su đã được ban cho chúng ta qua thánh Gioan. Ước gì mỗi người chúng ta cũng biết đón Mẹ về nhà cuộc đời chúng ta, để chia sẻ những vui buồn trong gia đình chúng ta. Ước gì chúng ta biết trân trọng gìn giữ Mẹ như bảo ngọc châu báu mà Chúa đã ban cho chúng ta, đừng để mất Mẹ, vì mất Mẹ là mất cả bầu trời. Ước gì mỗi người chúng ta biết tin tưởng phó dâng cuộc sống gia đình của mình cho Mẹ và biết dành một vài giây phút trong ngày để thưa lên cùng Mẹ. Thánh Maria Đức Mẹ Chúa cầu cho chúng con hôm nay và trong giờ lâm tử. Amen

Lm.Jos Tạ duy Tuyền